Chi tiết bài viết

Ống hút nhựa và tăm bông có thể bị cấm trong một năm tới tại Anh

Ống hút nhựa và tăm bông có thể bị cấm trong một năm tới tại Anh

Theo tuyên bố của Michael Gove, Bộ trưởng Môi trường Anh, kế hoạch cắt giảm ô nhiễm của chính phủ Anh nhắm vào ống hút nhựa, que khuấy nước bằng nhựa và tăm bông. Những sản phẩm này có thể bị cấm tại Anh trong vòng một năm tới.

Trong buổi tham vấn về các đề xuất, Thư ký Bộ Môi trường đã trích dẫn, thành công của việc áp dụng thu phí 5 bảng Anh/túi nhựa sử dụng một lần giúp cắt giảm 86% lượng sử dụng túi nhựa tại các siêu thị lớn.

Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 4,7 tỷ ống hút nhựa, 316 triệu que khuấy nước bằng nhựa và 1,8 tỷ tăm bông được sử dụng ở Anh. Khoảng 10% lượng tăm bông sau khi sử dụng bị vứt vào bồn cầu và bị xả nước, trôi vào các đường nước thải chính đi ra đại dương. Hậu quả là mỗi năm, chính quyền địa phương phải tiêu tốn hàng triệu bảng Anh chỉ để dọn dẹp lượng rác thải nhựa này.

Chính phủ Anh đang tìm kiếm các biện pháp cấm phân phối và bán các sản phẩm trên, buộc các doanh nghiệp phải cung cấp các sản phẩm thay thế.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2020, tùy thuộc vào quan điểm thu thập được trong quá trình tham vấn. Tuy nhiên, do ống hút nhựa vẫn cần thiết trong một số hoạt động y tế nên điều khoản miễn trừ sẽ được cân nhắc đưa vào các điều luật.

Ông Gove chia sẻ: "Các đại dương quý giá và các loài động vật hoang dã đang bị đe doạ bởi rác thải nhựa chúng ta thải ra mỗi ngày. Tôi biểu dương các nhà bán lẻ, các quán bar và nhà hàng đã cam kết loại bỏ ống hútque khuấy nhựa. Nhưng tôi nhận ra rằng chúng ta cần phải có nhiều hành động hơn thế. Ngày hôm nay, chúng ta đẩy mạnh nỗ lực để đảo ngược tình trạng ô nhiễm nhựa và đảm bảo rằng chúng ta để lại một môi trường tốt đẹp hơn lúc chúng ta thừa hưởng".

Cố vấn chính trị của tổ chức Hoà ình xanh tại Anh quốc, Sam Chetan-Welsh, cho biết: "Thói quen vứt bỏ đồ nhựa của xã hội đang làm gia tăng cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu".

Theo ước tính, hiện có hơn 150 triệu tấn nhựa trong các đại dương trên thế giới và con số này sẽ tăng gấp 3 vào năm 2025. Một triệu con chim và ít nhất 100.000 động vật có vú sinh sống ở biển sẽ chết mỗi năm do ăn phải hoặc bị vướng vào rác thải nhựa.